Cây Quế – Cây Ngọc Quế hay Nhục Quế


Cây Quế – Hay còn gọi là cây Ngọc Quế hay Nhục Quế có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới Châu Á. Quế hiện nay là nguyên liệu không thể thiếu được trong các lĩnh vực như y học, pha chế đồ uống, món ăn hay tinh dầu… Ngoài ra, Quế còn dùng để lấy gỗ, và giá trị của cây hiện nay khá cao, được dùng để phát triển kinh tế vùng miền rất tốt.

Cùng Khu Vườn Xanh tìm hiểu về loài cây này nhé.

Người dân đang thu hoạch vỏ quế
Người dân đang thu hoạch vỏ quế

Xem thêm:

Đặc điểm của cây Quế – Ngọc Quế

Đặc điểm chung

Tên khoa học: Cinnamomum cassia blume

Tên gọi khác: Quế bì; quế đơn, quế thanh; quế yên bái; ngọc quế; quế quảng; quế trung quốc; mạy quế (Tày); kia (Dao), nhục quế, gia tân nhục quế…

Họ: Long não (Lauraceae)

Nguồn gốc: từ các nước nhiệt đới Châu Á và Việt Nam.

Cây quế hay còn gọi là Nhục Quế, Ngọc Quế
Cây quế hay còn gọi là Nhục Quế, Ngọc Quế

Đặc điểm hình thái

  • Cây quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao trên 15 m, đường kính có thể đạt đến 40 cm. Cây phân nhiều cành nhánh, cành màu nâu, nhẵn và không có lông.
  • Lá cây mọc so le, hình bầu dục, phiến lá dày và cứng. Mặt trên lá màu xanh sẫm, bóng, mặt dưới có 3 gân hình cung.
  • Hoa hình chùy tròn mọc ra từ ngọn cành hoặc nách lá, cây ra hoa vào đầu mùa hạ, hoa mọc từng chiếc, màu trắng.
  • Quả hạch hình trái xoan hay hình trứng, dài 1-1,5cm, được bao bọc bởi đài tồn tại; khi chín màu đen hoặc tía đậm.
  • Hạt hình trứng, dài 1cm, màu nâu đậm và có những sọc nhạt.
  • Quế ra hoa vào tháng 4, 5 và quả chín vào tháng 1, 2 năm sau.
  • Quế có bộ rễ phát triển mạnh, rễ cọc cắm sâu vào nền đất, vì vậy cây quế có khả năng sống tốt ở những vùng đồi núi dốc.
Hoa và quả quế
Hoa và quả quế

Ý nghĩa phong thủy của cây Quế

  • Theo quan niệm người xưa, đỗ đạt cao trong các kì thi thường gọi “nguyệt cung chiết quế” với ý nghĩa giỏi giang, có vinh quang cực độ.
  • Cũng theo đó, ngày trước những nhà có con cháu công danh lớn, tiếng tăm được gọi là “lan quế tề phương”, nghĩa là lan quế cùng tỏa hương thơm. Tương truyền, Đậu Vũ Quân người Yên Sơn thời Ngũ Đại sinh được năm người con trai, tất cả lần lượt đều đỗ đạt cao, thành tú tài. Đại thần Phùng Đạo cùng thời lúc đó đã ngâm một bài thơ: “Yên Sơn Đậu thập lang, giáo tử hữu nghĩa phương. Linh xuân nhất chi lão, đan quế ngũ chi phương”, tức là Đậu thập lang ở Yên Sơn dạy con có phương pháp, một cành linh xuân già, năm nhánh đan quế hương thơm.
  • Hơn nữa, quế và quý đồng âm với nhau, do đó quế cũng mang ý nghĩa vật cát tường, tượng trưng cho sự phú quý. Trong đời sống hàng ngày, hoa quế, hạt quế thường có ngụ ý “quý tử”, như bức tranh “phúc tăng quý tử”, “liên sinh quý tử” cũng có hình vẽ con dơi và hoa quế, hoa sen và hoa quế. Vào ngày sinh nhật trẻ nhỏ hoặc những ngày cưới, thường dùng hạt quế với ý nghĩa chúc sớm sinh quý tử.
Cây quế 200 tuổi ở Tiền Giang
Cây quế 200 tuổi ở Tiền Giang

Công dụng của cây Quế – Nhục Quế

Công dụng làm thực phẩm

  • Quế được sử dụng một khối lượng lớn để làm gia vị vì quế có vị thơm, cay và ngọt có thể khử bớt được mùi tanh, gây của cá, thịt, làm cho các món ăn hấp dẫn hơn, kích thích được tiêu hoá.
  • Quế còn được sử dụng trong các loại bánh kẹo, rượu: như bánh quế, kẹo quế, rượu quế được sản xuất và bán rất rộng rãi. Bột quế còn được nghiên cứu thử nghiệm trong thức ăn gia súc để làm tăng chất lượng thịt các loại gia súc, gia cầm
  • Một số dân tộc Châu Á dùng quả chín và nụ hoa quế lấy hương thơm làm bánh và ướp chè hay thay nước hoa.

Công dụng trong y học chữa bệnh

  • Theo nghiên cứu của hội hóa học Hoa Kỳ “Mùi hương của tinh dầu Quế giúp cải thiện trí tuệ con người”. Khi ngửi mùi hương này giúp nâng cao sức tập trung, ghi nhớ và xử lý các hình ảnh nhanh và chính xác khi đang làm việc với máy tính.
  • Có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, hô hấp tăng lên, kích thích tăng bài tiết, tăng cường co bóp tử cung, tăng nhu động ruột.
  • Tinh dầu quế dùng để xoa bóp vùng đau bầm tím do chấn thương, đánh gió khi cảm.
  • Tinh dầu quế có tác dụng làm ấm toàn thân, khử mùi hôi, trừ cảm cúm, cảm lạnh, tiêu chảy, có tác dụng kích dục, giảm buồn phiền, chống đau cơ.
  • Quế được coi là một trong bốn vị thuốc rất có giá trị (Sâm, Nhung, Quế, Phụ). Nhục quế có vị ngọt cay, tính nóng, thông huyệt mạch làm mạnh tim, tăng sức nóng, chữa các chứng trúng hàn, hôn mê mạch chạy chậm, nhỏ, yếu (trụy mạch, huyết áp hạ) và dịch tả nguy cấp.
Tinh dầu quế rất hữu dụng trong một số bệnh
Tinh dầu quế rất hữu dụng trong một số bệnh

Công dụng về kinh tế lấy gỗ

  • Gần đây nhiều địa phương còn sử dụng gỗ quế, vỏ quế để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bộ khay, ấm, chén bằng vỏ quế, đĩa quế, đế lót dầy có quế.
  • Gỗ Quế được dùng làm đồ gia dụng và ván ép của người Dao ở miền Bắc và một số dân tộc ở huyện Trà My (Quảng Nam) và Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Công dụng khác

  • Quế được sử dụng làm hương vị, bột quế được trộn với các vật liệu khác để làm hương khi đốt lên có mùi thơm được sử dụng nhiều trong các lễ hội, đền chùa, thờ cúng trong nhiều nước châu á nhất là các nước có đạo phật, đạo Khổng Tử, đạo Hồi.
  • Theo tài liệu thống kê cho thấy: Nếu 1ha Quế sau chu kỳ 15 – 20 năm thu được 1,5 – 2 tấn vỏ trị giá 15 – 20 triệu đồng tương ứng với 10 tấn thóc. Để thu được 10 tấn thóc phải canh tác trên 10 ha lúa nương (sản lượng lúa nương 1 tấn/ha/năm) hoặc 20 ha sắn hoặc ngô.

Cách trồng và chăm sóc cây Quế – Gia Tân Nhục Quế

Cách trồng

  • Phương pháp nhân giống: có 3 cách khác nhau để trồng được loài hoa này đó là gieo hạt, chiết cành và ghép cành. Thường là gieo bằng hạt phổ biến hơn cả.
  • Quế là một loại cây có yêu cầu tương đối đặc biệt về điều kiện tự nhiên và phát triển được ở một số nơi nhất định miền nhiệt đới, nắng lắm, mưa nhiều, độ ẩm cao vv… Ở những nơi Nhiệt đới này, cây quế cũng chỉ có thể sinh trưởng được ở một số vùng nhất định, do vậy cây quế từ lâu đã trở thành một loại cây đặc sản của một số vùng nhiệt đới.
Cây quế giống
Cây quế giống

Cách chăm sóc cây Quế

Quế là loài cây thích hợp khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều, nắng nhiều. Tuy vậy, bạn cần lưu ý một số yếu tố để cây có thể sinh trưởng một cách thuận lợi nhất. Cụ thể:

  • Về ánh sáng: Cây ưa nắng, sáng. Nên chú ý trồng cây ở nơi có nhiều ánh sáng để cây có thể quang hợp, tổng hợp chất dinh dưỡng cần và đủ để nuôi dưỡng, phát triển. Nếu không đủ ánh sáng thì vỏ sẽ mỏng, chứa ít tinh dầu, phẩm chất kém.
  • Về nước tưới: Cây quế thường mọc tự nhiên những vùng có lượng mưa từ 2000 – 4000 mm/năm. Lượng mưa thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển là từ 2000 – 3000 mm/năm. Lượng mưa hàng năm ở các địa phương trồng cây quế thông thường khoảng 1600 – 2500 mm.
  • Về đất trồng: Quế có thể mọc được trên nhiều loại đất có nguồn gốc đá mẹ khác nhau (sa thạch, phiến thạch…), đất ẩm nhiều mùn, tơi xốp; đất đỏ, vàng, đất cát pha; đất đồi núi, chua (pH 4-6), nghèo dinh dưỡng, nhưng thoát nước tốt (trừ đất đá vôi, đất cát, đất ngập úng). Tốt nhất nên trồng Quế những nơi còn tính chất đất rừng, đất có tầng trung bình đến dày, đất rừng mới phục hồi sau nương rẫy, rừng còn cây bụi mọc rải rác…
  • Nhiệt độ: Là cây thích hợp với khí hậu nóng ẩm. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng, phát triển tốt là 20 – 30o Tuy nhiên cây quế vẫn có khả năng chịu lạnh (tới 0oC  – 1oC) hoặc chịu nhiệt độ cao tối đa từ 37 – 38oC. Các vùng trồng quế ở nước ta có nhiệt độ bình quân hàng năm từ 20 – 29oC.
  • Độ ẩm: Cây ưa độ ẩm trung bình- cao, tầm 70-85%.
  • Phân bón: Quế mỗi năm cần phải bón phân một lần, chủ yếu là bón phân có nhiều chất mùn và tro bếp. Vào khoảng tiết lập Hạ, xung quanh gốc cây moi rãnh bón phân vào rãnh rồi lấp đât lại. Lúc cây mọc cao trên 17cm, thì bón phân có nhiều chất lân và chất hữu cơ, tốt nhất là bón phân xác động vật, để thức đẩy quá trình hình thành tinh dầu..
  • Sâu bệnh: Cây thường bị một số loài gây hại như sâu xén tóc đỏ, sâu quế, bọ xít, rệp… Một số bệnh như: Thối rễ, úa váng, cháy lá. Để ngăn chặn và khắc phục tình trạng này cần phun thuốc định kỳ khi vào mùa, dọn dẹp quanh gốc cây cẩn thận.
  • Cắt tỉa: Lúc trồng rừng, cây cách nhau là 4x6cm, 8-10 năm sau cây sẽ khép tán, cần phải tỉa chặt cây ở những chỗ quá dày kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự cấu tạo vỏ và sản lượng vỏ. Vfa sau cứ cách 3-4 năm lại chặt tỉa một lần. Cuối cùng còn lại một nửa số cây, không cần chặt tỉa nữa.

Ý kiến bạn đọc (0)

© 2020 Khuvuonxanh.net. Thiết kế Website bởi MCOM.
Quay lại đầu trang