Cây Cà Na – Cây Trám Trắng, Bạch Lãm, Cảm Lãnh…


Cây Cà Na – Hay còn có tên gọi khác là cây Trám Trắng, Bạch Lãm, Cảm Lãnh… Cây có nguồn gốc từ những nước Châu Á trong đó có Việt Nam. Cây được biết đến khá nhiều ở vùng phía Nam nước ta, nhất là các chợ miền Tây, Đồng Bằng Sông Cửu Long. Loài cây này có nhiều công dụng mà chắc hẳn nhiều người còn chưa biết như: Quả của cây dùng chế biến thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh hay thậm chí là chiết suất tinh dầu làm nước hoa, xà phòng từ nhựa…

Cùng Khu Vườn Xanh tìm hiểu về loài cây này nhé.

Cây cà na
Cây cà na

Xem thêm:

Đặc điểm của cây Cà Na – Cây Trám Trắng

Đặc điểm chung

Tên khoa học: Canarium album (Lour.) Raeusch

Tên tiếng Anh: Chinese white olive

Tên gọi khác:  Côm háo ẩm, Cảm lãnh, Bạch lãm, Trám trắng

Họ: Côm – Elaeocarpaceae

Nguồn gốc: từ châu Á

Tại Việt Nam, cây cũng được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam đến tỉnh Lâm Đồng. Ở miền Bắc, cây được tìm thấy ở Hòa Bình, Hà Tây (Ba Vì), Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Có nhiều giống cà na khác nhau như cà na thường, cà na thái

Quả cà na
Quả cà na

Đặc điểm hình thái

  • Thân: Cây có thân thuộc loại là cây thân gỗ cao khoảng 10 – 25 m, lâu năm, trên thân có lông mềm.
  • Lá: Lá cây kép lông chim, dài khoảng 35 – 40 cm, phiến lá có hình trái xoan ngược, mọc so le, thót lại ở trên cuống, tù ở đầu. Lá gồm 7 – 11 chét lá. Các lá ở gần gốc có đầu ngắn, lá ở giữa dài hơn, đầu thuôn dài. Lá trong cùng có hình bầu dục, gân lá nổi hơi rõ ràng. Các lá kép thường có lông mềm. Phía mặt trên của lá có màu xanh bóng, mặt dưới có nhiều lông ánh bạc. Lá kép có màu nâu bạc.
  • Hoa: Cụm hoa của nó thường mọc ở ngọn cành thành một chùm kép, dài khoảng 8 – 10 cm. Cụm hoa có các lá bắc hình vảy, hoa mọc thưa, thường mọc tụ thành 2 – 3 cái ở một mấu. Đài hoa có lông, tràng hoa hình bầu dục, cánh hoa hơi dài hơn các lá đài, mặt ngoài có phủ một lớp lông ngắn. Hoa có 6 nhị, chỉ nhị ngắn, bầu nhị hình trứng có phủ một lớp lông màu nâu. Mùa hoa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
  • Quả: Quả cà na hình trứng, dài khoảng 3 cm và nhọn ở đầu, khi chín có màu vàng nhạt. Thịt quả dày bên trong có hạt cứng.
Hoa Cà Na
Hoa Cà Na

Đặc điểm sinh trưởng

  • Cây có tốc độ sinh trưởng và phát triển trung bình, sức sống khỏe, thích nghi rộng ở nhiều vùng đất trồng khác nhau, khí hậu ấm áp.

Công dụng của cây Cà Na – Cây Bạch Lãm

Công dụng trang trí lấy bóng mát

  • Cây vốn là cây thân gỗ cao trung bình, tán lá rộng nên phủ xanh và tạo bóng mát rất tốt. Các bạn có thể kết hợp trồng trong vườn, sân, sau nhà… vừa lấy bóng mát cho nhà, vừa có trái để làm thực phẩm.
Cây cà na
Cây cà na cổ thụ

Công dụng trong y học chữa bệnh

Một số thành phần hóa học có trong quả Cà Na tươi như: Canxi, Sắt, Photpho, Vitamin, A – copaene, B – caryophyllene, P- Cymene, Geraniol, Elemol, Nerol, Thymol. Có thể dùng quả cà na đập dập nấu nước có thể chữa được một số bệnh như:

  • Chữa họng đau, sưng Amidan, mất tiếng, khô cổ
  • Dùng phòng bệnh ngoại huyết (do thiếu vitamin C)
  • Chữa ho do cảm lạnh, phong hàn
  • Phòng ngừa bệnh sởi, phát ban, mề đay ở trẻ nhỏ
  • Dùng chữa các bệnh lý ngoài da
  • Chữa phụ nữ nôn mửa khó chịu khi có thai
  • Trị người hôn mê do ăn phải cá độc như cá nóc
  • Chữa say rượu
  • Điều trị đại tiện ra máu tươi
  • Điều trị kiết lỵ

Công dụng làm thực phẩm

Quả cà na thường có vị chua, chát nên ngoài có thể dùng ăn trực tiếp, nó cùng dùng được chế biến thành nhiều món ăn vặt khác như:

  • Dùng để muối dưa
  • Dùng ngâm cùng nước mắm
  • Cà na dầm đường
  • Mứt cà na
Ca na dầm đường
Cà Na dầm đường ớt

Công dụng khác

  • Nhựa cây cà na được chưng cất để lấy tinh dầu dùng trong điều chế nước hoa, xà phòng,…

Cách trồng và chăm sóc cây Cà Na – Cây Trám Trắng

Cách trồng

  • Phương pháp nhân giống: cây thường được nhân giống chủ yếu bằng cách gieo hạt hoặc chiết cành.
Cây cà na giống
Cây cà na giống

Cách chăm sóc cây Cà Na – Cây Bạch Lãm

Cây có tốc độ sinh trưởng và phát triển trung bình, dễ trồng và dễ chăm sóc lại rất ít sâu bệnh. Tuy thế, để cây phát triển được thuận lợi, bạn cũng cần phải lưu ý một số điểm sau:

  • Về ánh sáng: cây ưa sáng và cần có đủ ánh sáng để phát triển. Chú ý trồng cây ở nơi có thể hứng được nhiều ánh nắng. Khi còn non nhớ che chắn cho cây khỏi ánh nắng gay gắt.
  • Về nước tưới: Cây có tính chịu được khô hạn tốt. Tuy nhiên, muốn cây phát triển nhanh, xanh tươi, cần tưới nước, giữ ẩm thường xuyên. Tuần nên tưới cho cây 3 lần là vừa đủ, nhất là lúc nhỏ. Cây trưởng thành tưới khoảng 7-10 ngày 1 lần.
  • Về đất trồng: Cây không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Đất phù hợp nhất là đủ chất dinh dưỡng, đất thịt pha.
  • Nhiệt độ: Cây có thể chịu được biên độ nhiệt rộng, chịu khắc nghiệt tốt. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển từ 22-27 độ C.
  • Độ ẩm: Cây ưa độ ẩm trung bình 50-65%.
  • Phân bón: Cây không cần quá nhiều phân bón, chủ yếu bón phân cho cây lúc còn nhỏ và lúc ra hoa, và sau thu hoạch trái.
  • Sâu bệnh: Cây ít bị sâu bệnh phá hoại.
  • Cắt tỉa: Sau mỗi đợt hoa, quả cần cắt tỉa cho cây để cây phát triển tốt hơn. Cắt tỉa cành tăm, lá úa, vàng, cành sâu bệnh… tạo dáng và tán cho cây.
  • Thu hoạch: Thời điểm thu hoạch thường vào khoảng tháng 7 – 9. Kể từ thời điểm trồng đến thu hoạch mất khoảng  2 năm. Trung bình mỗi cây có thể cho khoảng 80 – 90kg.

Ý kiến bạn đọc (0)

© 2021 Khuvuonxanh.net. Thiết kế Website bởi MCOM.
Quay lại đầu trang