Cây lưỡi hổ hay còn gọi nó là Lưỡi cọp, Lưỡi hùm, Hổ vĩ mép vàng, Lưỡi mẹ vợ (mother-in-law’s tongue). Tên tiếng Anh của cây lưỡi hổ lại là Snake plant (cây Rắn) vì hình thù của nó giống con rắn hơn là lưỡi con hổ. Cùng Khu Vườn Xanh tìm hiểu về loài cây này nhé.
Xem thêm:
Cây lưỡi hổ được trồng và có thể sống ở rất nhiều vùng khác nhau, khí hậu khác nhau.
Tên Cây lưỡi hổ ở một số nước:
Trung Quốc: Lan đuôi cọp
Thổ Nhĩ Kỳ: lưỡi gươm của Thánh George, thanh kiếm Pasha
Tên khoa học của cây lưỡi hổ là Sansevieria Trifasciata, thuộc họ Măng tây và có nguồn gốc ở Nigeria (Châu Phi). Ở những nơi này thì lưỡi hổ là một nguyên liệu quan trọng dùng trong sản xuất gai dầu, bện các loại vật liệu thiết yếu dùng trong đời sống (dây thừng, rổ, giỏ) nhờ tính dẻo dai bền chắc.
Tại Trung Quốc, Nhật Bản và Brazil, người ta coi loại cây này là một kho báu, thế nhưng ở Úc, lưỡi hổ chỉ được xem như một dạng cỏ dại mà thôi.
- Đặc điểm của cây Lưỡi hổ:
- Cây mọc thẳng đứng thành bụi, có thể cao đến 1,6m
- Lá lưỡi hổ cứng, nhọn ở đầu, thân lá mọng nước, bề mặt bóng, chủ yếu là màu xanh có pha một vài đốm trắng, 2 bên lá có viền màu vàng chạy dọc từ gốc tới ngọn.
- Nhựa cây lưỡi hổ cũng có độc tính có thể gây nôn mửa, khó chịu, vì vậy tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ hay thú nuôi trong nhà.
- Lưỡi hổ có hoa, hoa gồm 6 cánh mềm, thuôn dài, màu trắng nhạt.
- Công dụng, tác dụng của cây lưỡi hổ
a. Thanh lọc không khí
Với hình dáng tương đối đơn giản nhưng lưỡi hổ lại là một chuyên gia thanh lọc không khí với khả năng xử lý các chất độc gây hại cho cơ thể con người như formaldehyde (một chất gây ung thư trong các sản phẩm vệ sinh, giấy toilet, khăn giấy hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân), xylene, toluene và nitrogen oxit. Khả năng này đã được một nghiên cứu của NASA thực hiện vào những năm 90 xác nhận.
Các nơi như nhà máy sản xuất xe hơi, máy bay, gỗ dán, thảm trải, sản xuất sơn, máy in hay chốn văn phòng được khuyến cáo nên đặt lưỡi hổ xung quanh để giảm bớt tác động của các chất độc thải ra trong quá trình hoạt động.
SBS (Sick Building Syndrome) – triệu chứng thường thấy ở các toà nhà cao tầng (không phải hiệu ứng nhà kính) được mô tả là gây kích thích tai, mũi, cổ họng, làm ho, ngứa, đôi khi gây chóng mặt, mất tập trung, mệt mỏi, tệ hơn nữa là gây thắt ngực, mỏi cơ nhưng biến mất sau khi rời khỏi đó. Nên việc đặt cây lưỡi hổ ở những khu vực này cũng giảm bớt tác động của các nhân tố gây ra triệu chứng này.
b. Cây lưỡi hổ nhả rất nhiều oxy, kể cả buổi đêm
Trồng lưỡi hổ thì bạn hoàn toàn yên tâm đặt trong phòng ngủ. Đa số các loài cây quang hợp thải Oxy vào ban ngày nhưng lại hấp thụ Oxy và nhả CO2 và ban đêm nên việc đặt trong phòng thì cực kỳ nguy hại, nhất là trong những phòng ngủ không có sự lưu thông không khí.
Nhưng với lưỡi hổ thì quá trình này có chút khác biệt, đêm về lưỡi hổ vẫn tiếp tục hấp thụ CO2 và nhả Oxy ra ngoài.
Điều này có được là nhờ CAM – Crassulacean Acid Metabolism, một cơ chế quang hợp đặc biệt chỉ có ở một số loài, cơ chế này bảo rằng cây sẽ mở các lỗ khí vào ban đêm để giảm thiểu việc mất nước, và việc này lại đòi hỏi phải có CO2 thì cây mới thực hiện được.
Trong quá trình diễn ra CAM, ngoài oxy, cây có giải phóng hơi ẩm ra ngoài không khí, và tiêu diệt các chất gây dị ứng. Vì đặc điểm này nên lưỡi hổ là cây lý tưởng để đặt trong phòng ngủ. Thường nếu phòng ít lưu thông không khí thì nên đặt chậu lưỡi hổ khoảng 6-8 lá.
c. Công dụng khác
Ngoài những lợi ích vượt trội này, lưỡi hổ còn tỏ ra anh tài trong một số công dụng đời sống khác. Chẳng hạn, nó được sử dụng trong Đông y, chữa viêm họng, ho, khản tiếng hoặc chữa viêm tai mưng mủ.
Việc trưng bày một chậu lưỡi hổ bên trong nhà cũng mang lại sự cải thiện cho không gian sinh hoạt, đặt ở vị trí thích hợp thì cây còn giúp nâng cao tinh thần, tăng hiệu quả làm việc.
Ở Châu Phi, cây lưỡi hổ còn được dùng trong sản xuất sợi, làm dược liệu hoặc được dùng chống lại bùa mê thuốc lú.
- Ý nghĩa phong thuỷ cây lưỡi hổ
Bên cạnh những lợi ích to lớn phục vụ cho sức khoẻ, trồng cây lưỡi hổ còn mang lại ý nghĩa về mặt phong thuỷ.
Cây có năng lượng phong thuỷ giúp bảo vệ bạn, chống lại khí xấu quanh nhà hay văn phòng, nhưng cần lưu ý vì năng lượng cây rất mạnh nên hãy để ở những vị trí ít người qua lại. Nếu đặt trong nhà, các góc Đông nam, Bắc, và Tây là những chỗ có phong thuỷ tốt nhất để đặt cây này.
Người ta tin rằng những ai trồng Lưỡi hổ sẽ được Bát tiên tặng cho 8 món quà, được gọi là Bát công đức thuỷ (8 phẩm hạnh tốt đẹp). Ở Trung Quốc, người ta đặt cây ở gần cửa ra vào để tỏ ý đón rước Bát công vào nhà.
Trong kinh doanh và trong cuộc sống thường ngày, lưỡi hổ là món quà thường xuyên nhằm gửi lời chúc tốt đẹp đến đối tác, bạn bè… mong đem lại may mắn tài lộc và rủ bỏ những điều xấu, hoặc như món quà biểu tượng cho sức mạnh cá nhân, rắn rỏi và không ngừng tiến lên.
Mệnh Kim và Thổ đặc biệt phù hợp trồng cây lưỡi hổ. Nếu trồng chậu thì 2 mệnh này nên chú ý như sau:
- Mệnh Kim: dùng chậu thuôn tròn, vuông, chữ nhật; tránh dùng chậu có góc nhọn hoặc uốn lượn kiểu cách.
- Mệnh Thổ: dùng chậu vuông, chữ nhật hoặc chậu có góc nhọn, chậu kim tự tháp; tránh dùng chậu có hình thuôn dài.
Ý kiến bạn đọc (0)